Nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, và sợi dệt của Việt Nam có thể sẽ được cắt giảm thuế nhiều hơn và nhanh hơn vào thị trường Hàn Quốc nhờ Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đang được hai nước tiến hành đàm phán.
Bà Jang Mi Yeon, Phó giám đốc của cơ quan phụ trách về FTA của Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc (MKE), cho biết bên lề thội thảo FTA Hàn Quốc – ASEAN tổ chức hôm 27-11 tại TPHCM, FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc hiện đang trong quá trình đàm phán, nên chưa có cam kết cụ thể.
Tuy nhiên, FTA này được kỳ vọng sẽ giúp dỡ bỏ nhanh các dòng thuế thuộc danh mục nhạy cảm và nhạy cảm cao. Với Hàn Quốc, đó là các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản và dệt.
Hiện doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng mức thuế ưu đãi khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Hàn Quốc nhờ FTA Hàn Quốc – ASEAN. Theo FTA đa phương này, đến năm 2010, ít nhất 90% tổng dòng thuế của hàng hóa từ ASEAN vào Hàn Quốc được giảm xuống 0%.
Tuy nhiên, nhóm hàng hóa thuộc danh mục nhạy cảm chỉ được hạ thuế xuống mức 20% đến năm 2012, và xuống mức 0-5% vào năm 2016. Nhóm này chiếm khoảng 6-7% tổng dòng thuế, gồm các mặt hàng như cá tuyết (cod), cá trích (herring), hành, rượu vodka, và sợi nhân tạo.
Thuế của các mặt hàng vào Hàn Quốc thuộc danh mục hàng hóa nhạy cảm cao sẽ được giảm xuống còn 20-50% vào ngày 1-1-2016. Danh sách này gồm 200 dòng thuế (HS 6 số) và ít hơn 3% tổng dòng thuế (HS 10 số), gồm mực (cuttlefish), đậu đỏ (kidney bean), lúa mạch (barley), và bắp.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn được hưởng các ưu đãi về thuế quan trong khuôn khổ FTA Hàn Quốc – ASEAN vì thuộc danh mục hàng hoá thông thường. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu, thủy sản tươi sống. Chỉ có việc xuất khẩu mặt hàng thủy sản chế biến là không dễ dàng, ông Hoè nói.
Bà Jang Mi Yeon từ chối cho biết thời gian dự kiến FTA song phương này được ký kết, nhưng cho biết đây là một hiệp định khá quan trọng với Hàn Quốc, nên Hàn Quốc muốn ký kết hiệp định này càng sớm càng tốt.
Giải thích về việc tại sao FTA song phương này quan trọng với Hàn Quốc hơn FTA giữa Hàn Quốc với một số nước khác, bà Jang Mi Yeon cho biết, hiện có khá nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, và hai nước có quan hệ đối tác toàn diện.
Bên cạnh kỳ vọng mở rộng hợp tác thương mại, hiệp định song phương cũng được hy vọng sẽ giúp thúc đẩy đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Theo ông Jongsang Kim, Trưởng nhóm nghiên cứu thị trường mới nổi của Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc (Kotra), hiện doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư nhiều vào lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam. Họ đang muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, như phân phối, tại đây. Do đó với FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở cửa hơn nữa trong một số lĩnh vực, như dịch vụ.
Vào tháng 8-2012, Việt Nam và Hàn Quốc thông báo về việc tiến hành đàm phán FTA song phương. Vào tháng 9-2012, vòng đàm phán thứ nhất được tiến hành. Dự kiến vòng đàm phán thứ hai diễn ra vào năm tới.
Hiện Hàn Quốc đang có FTA với 46 nước, trong khuôn khổ song phương và đa phương. Trong khuôn khổ song phương, tại khu vực ASEAN, Hàn Quốc đã có FTA song phương với Singapore, đang đàm phán FTA với Việt Nam, và đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với Indonesia.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Hàn Quốc với tổng trị giá trên 4,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái, và nhập khẩu từ thị trường này 12,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,8%.
Hàng dệt, may là nhóm hàng hoá Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Hàn Quốc, chiếm trên 20% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Máy vi tính, sản phẩm điện tử, và linh kiện là nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc, chiếm trên 20% xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam.
Nguồn "Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online"
Theo: http://www.thuongmai.vn/thuong-mai-quoc-te/giao-thuong-quoc-te/xuc-tien-thuong-mai/110685-nong-thuy-san-det-ky-vong-fta-viet-nam-han-quoc.html