Miền Trung - Lộc biển sau bão

News

Sau bão, ngư dân các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… hối hả ra biển. Theo kinh nghiệm, sau bão, bao giờ cũng đưa lại nguồn lợi hải sản rất lớn.

Sau bão, ngư dân các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… hối hả ra biển. Theo kinh nghiệm, sau bão, bao giờ cũng đưa lại nguồn lợi hải sản rất lớn. Thế nên làng biển nào cũng rộn ràng tiếng máy nổ tàu thuyền, tiếng gọi í ới mọi người trở lại biển. Và đã có những mẻ cá đầu tiên sau bão. 

Nhộn nhịp bám biển 

Cơn bão số 3 vừa tan, chúng tôi trở lại những cảng cá, nơi những con tàu của Quảng Ngãi đang chuẩn bị chuyến ra khơi đánh bắt. Tại cửa biển Mỹ Á, xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ), ngư dân Lê Min, người có thâm niên và kinh nghiệm đi biển cho biết, thường sau những ngày biển động, luồng hải sản xuất hiện nhiều nên các tàu tranh thủ ra khơi. 

Tại cửa Mỹ Á, chỉ trong ngày có hàng trăm tàu thuyền tấp nập ra vào bến để cung cấp hải sản, tiếp nhiên liệu… khiến không khí làm ăn nhộn nhịp hẳn lên. Theo UBND xã Phổ Quang, toàn xã hiện có 236 chiếc tàu, với tổng công suất 17.500 CV, trong đó có 90 tàu có công suất 90 CV đánh bắt xa bờ. Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác hải sản đạt 8.000 tấn/12.000 tấn kế hoạch năm, tăng 24% so với kế hoạch. 

Khi bão vừa tan, giọt nắng mới hửng, ven biển Thừa Thiên - Huế đâu đâu cũng thấy bà con ngư dân khẩn trương chuẩn bị ra khơi, người quét lại thúng, sơn lại thuyền, người vá lưới… Đôi bàn tay thoăn thoắt vá lưới, chị Lý, vợ anh Nguyễn Văn Hải (xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang), nói: “Ráng vá xong tấm lưới này trong chiều nay, để sáng sớm ngày mai nhà tôi kịp ra khơi. Bám biển để sống như gia đình tôi thì hết bão là lại ra khơi ngay... Vì sau bão, cùng với các loại thủy hải sản như cá lạt, cá ngừ, cá nục nhiều lắm”. 

Trong khi đó ở Quảng Bình đã có hơn 3.000 tàu thuyền ra biển, ngư dân Nguyễn Văn Phong nói: “Sau bão cá tôm nhiều lắm, chúng bị sóng đánh dưới đáy biển, bùn cát lộn lên trong nước, cá tôm, hải sản xốn mắt, nổi lên từng đàn, có đàn kéo dài cả cây số. Một mẻ lưới sau bão có thể lên đến cả hai mươi tấn, còn bình thường là năm mười tấn như chơi. Chắc ăn chuyến này đi một tuần, thu không dưới 300 triệu đồng. Thế là lời to rồi”. 

Mẻ cá đầu tiên 

Và lộc biển đã đến với ngư phủ xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy, Quảng Bình) vào đêm 31-7. Nhiều ngư dân phấn khởi cho biết tuy hết sức vất vả với thuyền lộng nhưng cũng đáng để mệt. Đã có những mẻ cá đầu tiên của nghề lộng tại các làng biển Bãi Ngang. 

Bà Nguyễn Thị Lên đang gánh cá bên bờ biển nói: “Nghe tin bão tan là cả làng nhộn nhịp hẳn, người giăng lưới, kẻ đèn dầu, rồi lên thuyền ra cách bờ mấy hải lý đánh bắt cá. Đánh cả đêm được mấy tấn, gánh từ sáng tới chừ chưa hết, cá nục, cá nhỏ bán được giá, tư thương mua sạch, rồi họ thuê gánh lên bến là chở đi luôn”. 

Lão ngư Trần Điềm tâm sự thêm, đúng là sau bão, cá đi từng đàn, bỏ lưới xuống là hốt không xuể. Đúng là lộc trời ban, phải đánh chừng một tuần mới hết cá. Chắc chắn, mỗi thuyền cả tuần đánh bắt thu về không dưới 300 triệu đồng. 

Tại xã Quảng Đông, ngư dân Nguyễn Văn Lam vừa trúng được gần 5 triệu đồng tiền cá mú, nói: “Đúng là đánh bắt sau bão sướng thiệt. Thả câu là được cá. Tui trúng đàn cá mú bán 5 triệu đồng, ngày bám biển đầu tiên sau bão thế là tốt lắm”. 

Ở Hà Tĩnh, ngay từ sáng sớm 1-8, đã có rất nhiều tàu đánh bắt cá chở đầy ắp cá trích, cá nục… đánh bắt được sau bão cũng hối hả nối đuôi nhau vào cập bến cảng Cửa Sót. Anh Nguyễn Văn Trung, 36 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An, là thuyền viên trên tàu Long Hải 01, mang số hiệu NA 93999TS, phấn khởi cho biết: “Chỉ 2 ngày sau bão, tàu của chúng tôi đã đánh bắt được hơn 10 tấn cá các loại và bán được giá rất cao so với những ngày bình thường”. 

Miền Trung, những mẻ cá đầu tiên đã về sau bão, đó là niềm vui lớn của các làng biển, được mùa cá sau bão làm ngư dân phấn chấn hơn để bám biển. 

Ngư dân Lê Khởi (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng đang cùng với hàng trăm ngư dân khác chuẩn bị ra khơi bám biển ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa - những ngư trường truyền thống của quê hương. 

Ông Lê Viết Chữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã ký công văn giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Hội Nghề cá tỉnh chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, trình UBND tỉnh trước ngày 5-8.

Theo Sài Gòn Giải Phóng