Tìm hiểu tính khả thi phát triển nuôi cá ngừ

News

(vasep.com.vn) Ông Kunihiro Igari - Chuyên gia nuôi trồng của Công ty Try-Tokyo đánh giá rất cao tiềm năng phát triển nuôi cá ngừ tại vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa). 

(vasep.com.vn) Ông Kunihiro Igari - Chuyên gia nuôi trồng của Công ty Try-Tokyo đánh giá rất cao tiềm năng phát triển nuôi cá ngừ tại vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa). Với điều kiện tự nhiên tuyệt vời, sự hỗ trợ lớn về chính sách phát triển nuôi biển tại địa phương... đang thu hút Tập đoàn Sojitz - Tập đoàn lớn thứ 2 về nuôi trồng, chế biến, thương mại cá ngừ tại Nhật Bản xem xét đầu tư tại đây.

Từ ngày 15-16/3/2012, đoàn công tác của Tập đoàn Sojitz, Viện Nghiên cứu Hải sản, VASEP và đại diện một số DN XK thủy sản Việt Nam đã tổ chức một chuyến đi tìm hiểu việc phát triển nuôi cá ngừ của Công ty TNHH Minh Chi tại vịnh Vân Phong và trại nuôi của Viện Nghiên cứu Hải sản tại Cam Ranh (Khánh Hoà).

Ths. Bùi Quang Mạnh - Phó Phòng Nguồn lợi Môi trường, Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam cho biết, hiện nay, Viện Nghiên cứu Hải sản đang hợp tác với Công ty 128 Hải Quân tiến hành thử nghiệm nuôi cá ngừ thương phẩm tại Vịnh Cam Ranh. Ngoài ra, Viện đã phối hợp với Công ty TNHH Minh Chi đầu tư nuôi thử nghiệm 12 lồng cá ngừ đại dương trên diện tích 30ha tại vịnh Vân Phong.

Nuôi thành công hơn 120 con cá ngừ thương phẩm, với trọng lượng trung bình từ 25-40 kg/con, tốc độ tăng trưởng 2-2,5kg/tháng, theo ông Mạnh, vừa nuôi, rút kinh nghiệm nhưng Đề án này được đánh giá khả năng thành công cao. Có thể nói, đây là bước tìm hiểu đầu cho Đề án nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá ngừ của Viện Nghiên cứu Hải sản, tạo tiền đề cho phát triển nuôi cá ngừ tại Việt Nam.

Còn ông Kunihiro Igari cho rằng, điều kiện tự nhiên thuận lợi tại hai vịnh Vân Phong và Cam Ranh rất tốt cho phát triển nuôi cá ngừ. Do đó, kỹ thuật nuôi không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có đội tàu công nghệ hiện đại, công suất không đủ lớn để bắt giống cá từ 15-20kg cho nuôi lên thương phẩm. Hơn nữa, do chưa thành công trong việc sản xuất giống nhân tạo, nguồn giống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên đây là băn khoăn lớn nhất của việc triển khai mô hình nuôi cá ngừ đại dương tại Việt Nam.

Tập đoàn Sojitz cần thêm các dữ liệu thống kê về các đội tàu đánh bắt xa bờ và nghiên cứu sâu hơn về việc săn bắt cá ngừ giống... phục vụ cho nuôi trồng quy mô lớn. Tập đoàn này đang chờ các phản hồi, sự quan tâm, vào cuộc của các DN XK hải sản Việt Nam.

Phát triển nuôi biển đang là một trong những hướng đi nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu hải sản cho chế biến, XK. Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Hải sản VASEP trong năm 2012 là tìm kiếm thông tin, tổ chức làm việc với các đơn vị để hỗ trợ sản xuất cho các DN XK hải sản. Trước chuyến khảo sát này, VASEP đã cùng đại diện Công ty TNHH Sojitz Việt Nam, một số DN XK hải sản tới làm việc với Viện Nghiên cứu Hải sản về Đề án phát triển nuôi cá ngừ tại Việt Nam.

Vịnh Vân Phong là địa điểm lý tưởng để phát triển nuôi cá ngừ

Nguồn http://www.vasep.com.vn TVH