Xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản

News

(Thủy sản Việt Nam) - Hỏi: Thế nào là hành vi vi phạm hành chính trong khai thác thủy sản? Bao gồm những vi phạm gì và mức xử phạt là bao nhiêu?

(Thủy sản Việt Nam) - Hỏi: Thế nào là hành vi vi phạm hành chính trong khai thác thủy sản? Bao gồm những vi phạm gì và mức xử phạt là bao nhiêu?

Trả lời: Theo Điều 1 Nghị định số 31/2010/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thực thủy sản thì vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là những hành vi của tổ chức, cá nhân cố ý hoặc vô ý vi phạm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Khai thác cá gần bờ ở Hải Hậu, Nam Định - Ảnh: Huy Hùng

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bao gồm:

- Vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

- Vi phạm các quy định về khai thác thủy sản và quản lý tàu cá;

- Vi phạm các quy định về nuôi trồng thủy sản, sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản;

- Vi phạm các quy định về thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản;

- Vi phạm các quy định về các ngành nghề dịch vụ thủy sản;

- Cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản.

Theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Phá dỡ hoặc xây dựng các công trình nổi, công trình ngầm ở các vùng nước làm thay đổi nơi cư trú, sinh trưởng, sinh sản của các loài thủy sản mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không theo đúng quy định ghi trong giấy phép; khai thác, hủy hoại trái phép các rạn đá ngầm, san hô hoặc rạn san hô, các thảm thực vật ngầm, rừng ngập mặn và hệ sinh cảnh khác, trừ hành vi neo đậu tàu cá trong trường hợp bất khả kháng; tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép rạn san hô; phá hủy, cản trở trái phép đường di chuyển tự nhiên của các loài thủy sản.

Ngoài ra, còn áp dụng các hình thức phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm (trừ tàu cá và thiết bị an toàn hàng hải); tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản 06 tháng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai thác thủy sản nếu khối lượng các loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác vượt quá mức cho phép khai thác lẫn từ dưới 100 kg đến trên 1.000 kg;

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi khai thác thủy sản tại khu vực cấm khai thác hoặc trong thời gian cấm khai thác từ dưới 10 kg đến trên 1.000 kg;

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi khai thác các loài thủy sản trong danh mục cấm khai thác nếu khối lượng từ dưới 20 kg đến trên 500 kg.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thả các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại vào vùng nước tự nhiên; vùng nước thuộc khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, sơ chế, chế biến các loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Đồng thời, tịch thu số thủy sản đã khai thác trái phép; tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện vi phạm (trừ tàu cá, thiết bị an toàn hàng hải) và tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản 06 tháng; tịch thu tang vật, tàu cá và tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản hoặc chứng chỉ hành nghề với trường hợp tái phạm. Và buộc phải thả số thủy sản còn sống trở lại môi trường.

Ban pháp luật - Bạn đọc
Theo: http://thuysanvietnam.com.vn/xu-phat-hanh-chinh-trong-linh-vuc-thuy-san-article-3321.tsvn