Bà Đặng Thị Kim Thoa, chuyên gia phân tích của Maybank Kim Eng nhận xét, NĐT vẫn ưa chuộng CP của công ty đầu ngành như HVG
Bà Đặng Thị Kim Thoa, chuyên gia phân tích của Maybank Kim Eng nhận xét, NĐT vẫn ưa chuộng CP của công ty đầu ngành như HVG, đối với ngành xuất khẩu cá tra và MPC đối với ngành xuất khẩu tôm... Chính vì vậy, với thủy sản đầu tư mang tính dài hơi sẽ mang lại tính ổn định cao khi các DN vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại.
Các DN thủy sản gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu. (Ảnh: TTX)
Thanh khoản tốt?
Điểm qua kết quả kinh doanh 10 tháng/2012. Hầu hết các công ty thủy sản đều giảm mạnh về lợi nhuận chủ yếu do lợi nhuận gộp biên giảm và chi phí hoạt động tăng cho dù vẫn đạt được sự tăng trưởng doanh thu đáng kể. Tuy khó khăn trong sản xuất, nhưng cổ phiếu (CP) ngành này vẫn được nhiều nhà đầu tư (NĐT) và tổ chức mua nhiều, ẩn chứa nhiều tiềm năng.
Theo thống kê trên 2 sàn niêm yết HoSE, HNX cho thấy, 20 công ty thủy sản niêm yết trên sàn đều có lợi nhuận giảm mạnh so với năm 2011. Bốn công ty còn có tình hình sáng sủa là CMX (CTCP Chế biến XNK Cà Mau), SJ1 (Cty CP Thủy sản số 1), ANV (Nam Việt) và VNH (Thủy hải sản Việt Nhật), còn các công ty như CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) lỗ 22,5 tỷ đồng; Lâm Thủy sản Bến Tre (FBT) lỗ 60,5 tỷ đồng, do lượng hàng tồn kho lớn.
Tính đến phiên giao dịch ngày 20/11, giá FMC còn 10.000 đồng/CP, còn FBT giảm còn 3.700 đồng/CP. ACL (Thủy sản Cửu Long - An Giang) được coi là DN có lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất, tới 78%, rơi từ mức 71 tỷ đồng xuống còn 15,5 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía Công ty, nguyên nhân chính là do sức mua giảm trong khi các chi phí đều tăng. Tính đến phiên ngày 20/11 CP của ACL chỉ còn 11.500 đồng/CP, giảm 4.500 đồng/CP so với đầu tháng 9.
Với bức tranh không mấy sáng sủa trên, vậy mà NĐT vẫn mua CP thủy sản, phải chăng họ hy vọng đây là mức giá đáy, sau đó giá sẽ quay đầu lên (?)
Theo thống kê trong tháng 10, Tổng công ty thủy sản Việt Nam (Seaprodex) đã mua thành công 315.000 CP TS4 của Thủy sản 4 và nâng lượng CP sở hữu lên hơn 2.000.000 CP. Trong khi đó Chủ tịch HĐQT của TS4 cũng đăng ký mua thêm 500.000 CP.TS4.
Bà Lê Thị Lài - Phó Tổng giám đốc CTCP Việt An (AVF) đăng ký mua thêm 500.000 CP AVF. Còn CP MPC của Thủy sản Minh Phú vừa được giao dịch thỏa thuận 3,5 triệu đơn vị hồi cuối tháng 9 với giá trần 40.000 đồng/CP, tổng giá trị giao dịch 140 tỷ đồng. Đáng chú ý hơn là tin Charoen Pokpand Foods (CP Foods), công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Thái Lan, đang tiến hành mua 40% cổ phần của Minh Phú.
CP Foods dự kiến chi khoảng 60 triệu USD, tức 1.260 tỷ đồng (tương đương 2,16 USD hoặc 45.000 đồng/CP) để mua lại 28 triệu cổ phần (40%) của Minh Phú.
Ngoài CP Foods, hiện nay đang có nhiều công ty đến từ Nhật Bản, Trung Đông cạnh tranh mua lại cổ phần của Minh Phú.
Đầu tư cho tương lai
Nguyên liệu là mấu chốt của vấn đề xuất khẩu thủy sản, việc thiếu nguyên liệu đã làm cho các công ty thủy sản hoạt động cầm chừng. Nguyên liệu cá tra trong quý IV thiếu hụt khoảng 30% so với nhu cầu chế biến, vì vậy sẽ đẩy giá cá nguyên liệu tăng trở lại khoảng 20%. Thị trường tôm nguyên liệu cũng không có vẻ gì sáng sủa hơn khi dịch bệnh đang lan rộng và có thể sẽ khiến cho 70% các công ty chế biến thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Chưa thấy dấu hiệu cho sự phục hồi sản lượng nguyên liệu, do đó ngành thủy sản trong những tháng cuối năm tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh đó, các DN thủy sản đang rất khát vốn sản xuất, một phần từ sự thận trọng của ngân hàng để cho các công ty thủy sản vay sau khi một số công ty thủy sản vỡ nợ như Bình An và Phương Nam.
Theo VASEP, chỉ có 437 DN chế biến và xuất khẩu hoạt động trong năm 2012 so với 800 DN trong năm 2011, giảm 40%. Tuy nhiên, hiện có khoảng 30 công ty sản xuất cá tra lớn nhất Việt Nam đang được chứng nhận ASC cho các vùng nuôi của mình. Nhiều công ty sản xuất cá tra lớn nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long đã nhận được chứng nhận ASC trong năm nay như Hung Vuong Corp (HVC), Vinh Hoan Corp, NTACO, Hoàng Long, Vinh Quang...
Chứng nhận ASC xác nhận rằng cá tra được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, đến các nhân viên của công ty và cộng đồng dân cư xung quanh. Đây là điều kiện tốt cho thủy sản dễ vào các thị trường Âu Mỹ.
Chỉ số của các công ty thủy sản niêm yết tăng 34% năm nay so với năm 2011, trong khi VN-Index giảm 6%. Chính sự tăng mạnh của các CP có tỷ trọng cao trong rổ chỉ số thủy sản như CP MPC của CTCP thủy sản Minh Phú có tỷ trọng 25,7% đã tăng 44% và HVG của Hùng Vương có tỷ trọng 22,2% tăng 45% đã đẩy chỉ số của ngành tăng cao.
Mặc dù ngành thủy sản đang đối mặt với những khó khăn và những rủi ro về nguyên liệu và thuế chống phá giá, một số công ty lớn trong ngành thủy sản vẫn rất đáng được NĐT quan tâm.
Bà Đặng Thị Kim Thoa, chuyên gia phân tích của Maybank Kim Eng nhận xét, NĐT vẫn ưa chuộng CP của công ty đầu ngành như HUNG VUONG CORP đối với ngành xuất khẩu cá tra và MINH PHU SEAFOOD CORP đối với ngành xuất khẩu tôm. Các công ty này ngày càng hoàn thiện chu trình sản xuất khép kín, qua đó chủ động được nguồn nguyên liệu cũng như hạn chế tác động của sự biến động thức ăn gia súc.
Một CP khác trong ngành mà Maybank Kim Eng cũng nhìn nhận lạc quan là VHC của Công ty CP Vĩnh Hoàn, do công ty này đang tập trung vào mặt hàng có lợi nhuận gộp biên cao là collagen và xuất khẩu gạo, một sản phẩm cũng là thế mạnh trong nước… Chính vì vậy, với thủy sản đầu tư mang tính dài hơi vào các mã nêu trên sẽ mang lại tính ổn định cao khi các DN vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại.
Theo: http://www.vasep.com.vn/Tin-Tuc/50_23002/Nganh-thuy-san-Gia-tri-nao-trong-mat-NDT.htm